Cách dùng mộc nhĩ đen phòng, trị bệnh

Mộc nhĩ 15 - 30g, ngâm nước ấm cho nở hết cỡ rồi rửa sạch, hầm nhừ, chế thêm một chút đường trắng, ăn trong ngày. Công dụng: dưỡng âm chỉ huyết, thường dùng để phòng chống các chứng xuất huyết.

Mộc nhĩ 60g, huyết dư thán 10g. Mộc nhĩ sao tới khi bốc khói là được, hai thứ tán bột, trộn đều, mỗi ngày uống 6 - 10g với nước ấm hoặc có pha một chút dấm thanh. Công dụng: tán ứ chỉ huyết, dùng cho phụ nữ bị băng lậu (băng kinh; rong kinh).

Mộc nhĩ 5g, đại táo 5 quả, gạo tẻ 100g, đường phèn vừa đủ. Mộc nhĩ ngâm nước ấm, rửa sạch; đại táo bỏ hạt. Hai thứ đem nấu với gạo thành cháo, chế thêm đường phèn, chia ăn vài lần trong ngày. Công dụng: tư âm nhuận phế, kiện tỳ chỉ huyết, bổ não cường tim và kháng ung, dùng thích hợp cho những người bị ho lâu ngày, cơ thể suy nhược, thổ huyết, kinh nguyệt không đều, tăng huyết áp, bệnh mạch vành tim, vữa xơ động mạch, ung thư...

Mộc nhĩ 60g, vừng đen 15g. Mộc nhĩ một nửa sao cháy, một nửa sao khô, vừng đen sao thơm, tất cả tán vụn trộn đều, mỗi ngày lấy 6g hãm với 120ml nước sôi, uống thay trà. Công dụng: tư bổ can thận, kiện não ích trí, dùng lâu rất có lợi cho sức khỏe thể chất và tinh thần.

Mộc nhĩ 200g, hồng táo 100g, đường phèn 250g. Mộc nhĩ ngâm nước ấm cho nở hết, rửa sạch, đem hầm với hồng táo trong 2.000ml nước cho thật nhừ, chế thêm đường phèn, chia làm 7 phần, mỗi ngày ăn 1 phần, chia 2 lần sáng và chiều. Công dụng: bổ thận chỉ huyết, dùng cho phụ nữ xuất huyết tử cung cơ năng thuộc thể thận hư.

Mộc nhĩ 15g, hồng táo 30 quả. Hai thứ đem hầm nhừ, ăn trong ngày. Công dụng: dưỡng huyết điều kinh, dùng cho người bị thiếu máu và phụ nữ bị băng lậu và khí hư.

Mộc nhĩ 30g, đường đỏ 20g. Mộc nhĩ ngâm nước ấm, rửa sạch, nấu nhừ rồi cho đường đỏ vào, đánh nhuyễn, chia ăn 2 lần trong ngày. Công dụng: lương huyết chỉ huyết, giáng áp, dùng thích hợp cho những người bị xuất huyết tử cung cơ năng và tăng huyết áp.

Mộc nhĩ và biển đậu lượng bằng nhau, sấy khô tán bột, mỗi ngày uống 9g, có công dụng phòng chống bệnh tiểu đường.

Mộc nhĩ 30g, hoa hiên 120g, đường trắng vừa đủ. Hai thứ rửa sạch, nấu thành canh, chế thêm đường, ăn nóng. Công dụng: lợi thủy thông lâm, dùng cho người bị đái ra máu (huyết lâm).

Mộc nhĩ 6g, thịt lợn nạc 50g, phật thủ 9g, ý dĩ 20g. Mộc nhĩ ngâm nước ấm, rửa sạch; thịt lợn thái miếng; phật thủ thái phiến. Tất cả đem nấu thành canh ăn trong ngày. Công dụng: tuyên tý thông dương, hoạt huyết hóa ứ, dùng cho những người bị bệnh lý động mạch vành tim.

Mộc nhĩ 20g, ngâm nước ấm, rửa sạch, nấu với 20g đường phèn lấy nước uống trong ngày hoặc nấu cháo với gạo nếp và hạt sen mà ăn để phòng chống bệnh viêm phế quản mạn tính và chứng giảm bạch cầu trong máu ngoại vi.

Mộc nhĩ 5g, đậu phụ 200g, hai thứ nấu thành canh ăn thường xuyên hoặc mộc nhĩ 6g nấu với đường phèn lấy nước uống trước khi đi ngủ để phòng chống cao huyết áp.

Ngoài ra, mỗi ngày ăn thường xuyên từ 10 - 20g mộc nhĩ đen có thể phòng chống hữu hiệu tình trạng táo bón. Điều cần chú ý là, những người bị đi lỏng mạn tính do viêm đại tràng hoặc viêm dạ dày mạn tính thì không nên ăn mộc nhĩ đen.

ThS. Hoàng Khánh Toàn

Bài thuốc trị viêm khớp dạng thấp

Y học cổ truyền cho rằng: gan chủ gân, thận chủ xương, tỳ chủ sinh huyết, nghĩa là gan chủ nuôi dưỡng gân cơ, thận chủ nuôi dưỡng xương cốt, tỳ chủ hấp thu dinh dưỡng, tạo huyết. Khi chức năng nội tạng suy yếu, phong tà xâm nhiễm, kinh lạc ứ trệ đều có thể đau cơ khớp và viêm khớp dạng thấp. Chữa trị viêm khớp dạng thấp chủ yếu là bổ khí huyết khu phong trừ thấp. Sau đây là 3 bài thuốc cổ phương tiêu biểu phòng trị bệnh theo từng thể:

Thể phong hàn thấp: Biểu hiện đau cứng khớp, đau tăng vào buổi sáng, thời tiết lạnh ẩm, xoa dầu chườm ấm thấy dễ chịu. Dùng bài Quyên tý thang gia vị gồm: đương quy 14g, xích thược 14g, xuyên khung 14g, hoàng kỳ 14g, phòng phong 10g, khương hoàng 12g, quế chi 12g, khương hoạt 10g, trần bì 12g, cam thảo 6g, đại táo 3quả.Viêm khớp dạng thấp nguyên nhân phần nhiều do chức năng gan tỳ thận bị suy yếu, do nhiễm phong, hàn, thấp.

Viêm khớp dạng thấp nguyên nhân phần nhiều do chức năng gan tỳ thận bị suy yếu, do nhiễm phong, hàn, thấp.

Thể phong thấp nhiệt: Biểu hiện khớp sưng nóng đỏ đau. Dùng bài Cửu vị khương hoạt thang gia vị gồm: sinh địa 20g, xuyên khung 14g, đương quy 14g, bạch chỉ 14g, thương truật 12g, khương hoạt 8g, phòng phong 10g, tế tân 6g, thông bạch 12g, hoàng cầm 10g, sinh khương 12g, cam thảo 6g. Bài này thích hợp với người viêm khớp dạng thấp có sưng nóng đỏ đau, kèm ngoại tà xâm nhiễm đau cấp hoặc tái phát.

Thể phong thấp tý: Biểu hiện đau sưng, đau cố định một chỗ, đau nhiều phần dưới cơ thể, người nặng nề. Dùng bài Độc hoạt ký sinh gia vị gồm: sinh địa 20g, đương quy 14g, xuyên khung 14g, xích thược 14g, nhân sâm 12g, phục linh 14g, độc hoạt 8g, tế tân 6g, tần giao 10g, phòng phong 8g, quế chi 14g, cam thảo 6g, đại táo 3 quả. Bài này thích hợp viêm khớp dạng thấp thể phong thấp tý, bệnh lâu chức năng can thận suy tổn, thường đau phần dưới cơ thể, người nặng nề.

Ngoài ra còn có thể khí huyết đều hư đờm ngưng kết tụ biến dạng khớp.

Các món ăn hỗ trợ điều trị:

Ngoài dùng thuốc, người bệnh nên ăn thực phẩm giàu vitamin C, D, E, A, Ca, PP có trong rau, củ, quả như trái bơ, đu đủ, cà rốt, bí đỏ, kinh giới, tía tô, lá lốt, ngò rí, cải xoong, cần tây, thì là, húng quế, hoa lý, gừng, hành, hẹ, tiêu, tỏi, nghệ...; ăn sụn, móng, gân, xương động vật, lươn, trạch, cá rô, tôm, cua, cá nhỏ...; ngũ cốc gạo lứt, ngô khoai tươi mới...Kinh giới, tía tô.

Kinh giới, tía tô.

Nếu viêm khớp dạng thấp thiên về thể “phong hàn” nên tăng cường ăn nhóm thực phẩm có tính bổ, ấm như thịt dê, thịt chó, thịt heo, chim, gà, bò; tốt nhất ăn sụn, móng, cật, đuôi...; các món từ rau, củ, quả hoặc thịt, cá nên cho thêm gia vị cay ấm như: gừng, hành, tiêu, ớt, sả... có tính khử phong hàn. Kiêng thức ăn lạnh như cam, măng, cà, nước dừa...; các vị chua, đắng quá.

Nếu viêm khớp dạng thấp thiên về phong nhiệt: Thường biểu hiện khớp có sưng, nóng, đỏ, đau. Nên tăng cường ăn rau, củ, quả vị bổ mát trừ thấp, tốt nhất nên ăn các loại rau thơm như: kinh giới, tía tô, rau húng quế, rau mùi, thì là... Kiêng các loại thức ăn cay nóng, dễ gây dị ứng động phong như: thịt bò, thịt gà, tôm, cua.

Lương y Minh Phúc

Cỏ nhọ nồi trị xuất huyết, làm đen râu tóc

Theo Đông y, cỏ nhọ nồi vị ngọt chua, tính bình; vào kinh can và thận. Có tác dụng bổ thận bổ âm, làm đen râu tóc, lương huyết chỉ huyết. Dùng cho người râu tóc bạc sớm, xuất huyết (khái huyết, trĩ, niệu huyết...); viêm đường tiết niệu, tiểu đục, rát buốt... Liều dùng cách dùng: 8 - 12g; dùng tươi: 60 - 100g bằng cách vắt ép nước, nấu hãm.

Một số cách dùng cỏ nhọ nồi làm thuốc:

Lương huyết cầm máu: dùng khi huyết nhiệt gây ho, đại tiện ra máu, phụ nữ băng huyết.

Bài 1: Đan nhị thảo: cỏ nhọ nồi 63g, xa tiền thảo 63g. Cả hai giã lấy nước, chiêu với nước đun sôi. Trị tiểu tiện ra máu.

Bài 2: cỏ nhọ nồi 20g, trắc bách 20g. Sắc uống. Trị phụ nữ băng huyết.

Bài 3: cỏ nhọ nồi 16g, hoè hoa 16g, xuyến thảo 16g, bồ hoàng thán 16g, ô tặc cốt 16g, nữ trinh tử 16g, lưu ký nô 12g, tiểu kế thảo 10g. Người âm hư thêm sinh địa 16g, bạch thược 8g; người khí hư thêm đảng sâm 12g, bạch truật 8g. Sắc uống. Trị tử cung co bóp gây chảy máu.

Bài 4: toàn cây cỏ nhọ nồi tươi, giã nát, loại khô nghiền thành bột, đắp lên vết thương. Trị chảy máu chấn thương do dao, mụn nhọt sưng độc.

Tư âm bổ thận, trị thận hư đau lưng, các trường hợp râu tóc bạc sớm, quên lẫn giảm trí nhớ: cỏ nhọ nồi, nữ trinh tử, liều lượng bằng nhau. Cả hai nghiền thành bột, làm mật hoàn. Ngày uống 2 lần, mỗi lần 8 - 12g, chiêu với nước đun sôi.

Trị nhức đầu do huyết hư: cỏ nhọ nồi 12g, đương quy 12g, xuyên khung 10g, thục địa 12g, thanh hao 6g. Sắc uống.

Món ăn thuốc có cỏ nhọ nồi:

Nước ép cỏ nhọ nồi: cỏ nhọ nồi tươi rửa sạch, nghiền ép lấy nước, uống với nước sôi để nguội. Dùng tốt cho người chảy máu cam, ho ra máu, tiểu tiện ra máu... Thường xuyên dùng 30 - 40g trong ngày, có tác dụng giảm béo.

Si rô gừng tươi cỏ nhọ nồi: cỏ nhọ nồi 500 - 1.000g, gừng tươi 30 - 60g sắc hãm lấy nước, cô thành dạng cao lỏng, thêm mật ong khuấy đều, mỗi lần uống 1 thìa canh, ngày 3 lần. Dùng tốt cho người râu tóc bạc sớm, đau đầu, hoa mắt chóng mặt, đau mỏi vùng lưng, thắt lưng.

Canh thịt cỏ nhọ nồi: cỏ nhọ nồi 60g rửa sạch, nấu canh với nước luộc gà hoặc nước canh thịt. Thích hợp cho chị em rong kinh huyết, người bệnh trĩ xuất huyết.

Kiêng kỵ: Người tỳ vị hư hàn, dễ tiêu chảy dùng thận trọng.

BS. Tiểu Lan

Bạch giới tử

Theo Đông y, bạch giới tử vị cay, ôn; vào kinh phế. Có tác dụng ôn hóa hàn đàm (làm ấm, tiêu đờm do lạnh); lợi khí, hóa đàm, thông kinh lạc, tiêu thũng độc. Chữa các chứng hàn đàm ủng phế, đàm ẩm khí nghịch, âm thư, lưu chú, loa lịch, đàm hạch. Liều dùng: 4 - 8g. Dùng ngoài không kể liều lượng.

Hạt cây cải trắng cho vị thuốc bạch giới tử.

Hạt cây cải trắng cho vị thuốc bạch giới tử.

Một số bài thuốc có dùng bạch giới tử

Trừ đờm, chữa ho. Trị các chứng bệnh do đờm lạnh kéo vướng phổi, ho, hen suyễn, đờm nhiều và loãng, tức ngực. Dùng bài Tam tử dưỡng thân: hạt rau cải trắng 4g, hạt tía tô 12g, hạt rau cải củ 12g. Sắc uống.

Lưu thông các thứ bị đọng, giảm đau.

Bài 1: Thuốc bột hạt cải trắng: hạt cải trắng 4g, hạt gấc 12g, một dược 12g, quế tâm 12g, mộc hương 12g. Các vị chế thành thuốc bột. Ngày uống 2 lần, mỗi lần 4g, với rượu trắng hâm nóng. Chữa đờm vướng tắc, đau nhức khớp do đàm trệ.

Bài 2: Khổng diên đơn: cam toại, đại kích, bạch giới tử, liều lượng bằng nhau. Tán bột, làm viên nhỏ. Mỗi lần uống 0,5- 1g với nước sắc gừng tươi, uống sau khi ăn và trước khi đi ngủ. Tác dụng: trục đàm ẩm. Trị viêm màng phổi, viêm màng bụng có nước, xơ gan cổ trướng.

Bài 3: bạch giới tử tán bột. Mỗi lần uống 4-8g với rượu. Trị ăn vào nôn ra hay ợ hơi do đàm nghịch.

Trừ độc, tiêu nhọt:

Bài 1: hạt cải trắng, hành ta, liều lượng như nhau. Nghiền hạt cải thành bột, cho hành củ vào trộn cho nhuyễn, đắp vào chỗ bị nhọt hay hạch. Mỗi ngày làm một lần cho đến khi khỏi. Chữa lao hạch.

Bài 2: Hạt cải trắng nghiền thành bột, thêm ít giấm hòa đều, đắp chỗ nhọt mới phát.

Bài 3 (trị liệt thần kinh mặt): bạch giới tử 5 - 10g; nghiền với nước thành dạng nhũ tương, gói trong miếng gạc, đắp vào vùng liệt ở má (giữa 3 huyệt: địa thương, hạ quan, giáp xa), dùng băng keo cố định, giữ 5 - 10 giờ. Cách 10 ngày đắp 1 lần

Kiêng kỵ: Người sức yếu, sốt nóng (khí hư hữu nhiệt), yếu phổi ho khan cấm uống.

TS. Nguyễn Đức Quang

Quả mâm xôi bổ thận, cường dương

Sách bản thảo kinh sơ viết: Phúc bồn tử ích khí, ích tinh, thận tàng tinh, thận nạp khí, tinh khí đầy đủ tất thân thể thanh thoát, tóc dài lâu bạc, kiện âm cường dương, da dẻ trắng áng, ngũ tạng an hòa, nam giới thận hư tinh khô, liệt dương, nữ giới muộn con đều kiến hiệu.

Mâm xôi có thể được sử dụng dưới nhiều dạng khác nhau:

Dạng tươi rửa sạch dùng như loại trái cây hoặc chế biến làm kem, yaourt, nhân mứt bánh, hay làm thành nước trái cây, rượu… Ví như dùng quả mâm xôi 1/3 cốc, quả sim chín 1/3 cốc, nước táo tươi 1/2 chén, sữa chua 1/4 cốc nhỏ, vani 1/2 thìa cà phê, chuối 1 quả, vài lá bạc hà và vài miếng thạch rau câu trắng, tất cả đem xay thành nước sinh tố dùng để giải nhiệt và bồi bổ sức khỏe.

Dạng khô được dùng dưới dạng các bài thuốc như sau:

Bài 1: Hải sâm 200g, thịt dê 150g, phúc bồn tử 12g, ích trí nhân 12g, nhục quế 6g, gia vị vừa đủ. Hải sâm ngâm mềm, rửa sạch, thái miếng nhỏ vừa, thịt dê rửa sạch, thái miếng. Trước tiên, bỏ phúc bồn tử và ích trí nhân sắc bỏ bã lấy nước rồi cho thịt dê, hải sâm và nhục quế vào đun nhỏ lửa cho đến khi nhừ thịt dê là được, nêm gia vị vừa đủ, ăn nóng. Công dụng: bổ thận ích khí, ôn dương, dùng để chữa các chứng liệt dương, di tinh, tiểu tiện nhiều lần do thận hư.

Bài 2: Chim sẻ 5 con, thỏ ty tử 30 - 45g, phúc bồn tử 10 - 15g, câu kỷ tử 20 - 30g, gạo tẻ 100g, hành, gừng và gia vị vừa đủ. Tất cả đem nấu thành cháo, chế đủ gia vị, chia ăn vài lần trong ngày. Công dụng: tráng nguyên dương, bổ tinh huyết, ích can thận, ấm lưng gối, dùng thích hợp cho các trường hợp thận khí suy hư dẫn đến liệt dương, xuất tinh sớm, di tinh, lưng gối mỏi đau hoặc lạnh đau, đầu váng mắt hoa, tai ù tai điếc, di niệu, tiểu tiện nhiều lần, phụ nữ khí hư nhiều, muộn con...

Quả mâm xôi bổ thận, cường dươngQuả mâm xôi.

Bài 3: Ba kích, phúc bồn tử, thỏ ty tử mỗi thứ 15g cho vào ngâm trong 250g rượu gạo, sau 7 ngày có thể dùng được, uống mỗi ngày 20 - 30ml. Công dụng: bổ thận tráng dương, làm mạnh gân cốt, dùng cho các chứng liệt dương, di tinh, hoạt tinh, lưng gối yếu mỏi, lạnh đau do thận hư gây nên.

Bài 4: Nữ trinh tử, phúc bồn tử, tang thầm, câu kỷ tử, tây dương sâm, đường phèn mỗi thứ 150g, ngâm trong 1.500ml rượu gạo, bọc kín để nơi thoáng mát, sau 3 tuần có thể dùng được, mỗi tối trước khi đi ngủ uống 1 cốc nhỏ (chừng 20ml), dùng cho các trường hợp suy giảm khả năng sinh dục, suy giảm chất lượng và số lượng tinh trùng, phụ nữ âm đạo khô rát.

Bài 5: Phúc bồn tử, thỏ ty tử, kỷ tử, ngũ vị tử, xa tiền tử, lượng bằng nhau, sấy khô, tán bột, làm hoàn to bằng hạt ngô đồng. Mỗi ngày uống 2 lần, mỗi lần 6g với nước ấm. Công dụng: chuyên trị liệt dương, di hoạt tinh, muộn con do thận hư. Đây chính là một bài thuốc cổ có tên là “Ngũ tử diễn tông hoàn”.

Bài 6: Phúc bồn tử, tang phiêu tiêu, ích trí nhân, sơn thù du, mỗi vị 12g, sắc uống mỗi ngày 1 thang. Công dụng: dùng để chữa chứng đi tiểu nhiều lần, nhất là ở người cao tuổi.

Bài 7: Phúc bồn tử, sa uyển tử, sơn thù du, khiếm thực, long cốt, liên tu, mỗi vị 12g, sắc uống mỗi ngày 1 thang. Công dụng: dùng để chữa các chứng di tinh, mộng tinh.

Lưu ý: Mặc dù mâm xôi là một vị thuốc bổ nhưng theo ghi chép của các sách thuốc liều dùng mỗi ngày chỉ từ 10 - 30g.

ThS.BS. Thanh Mai

Cam toại

Cam toại còn có tên khác là niền niệt, niệt gió... Tên khoa học: Euphorbia Kansut L. Bộ phận dùng làm thuốc là rễ củ. Nên chọn rễ từng chuỗi như cái suốt thoi, vỏ sắc vàng hoặc trắng xám, ít xơ, nhiều bột không mối mọt là tốt. Ngày dùng: 1 - 3g, thường dùng dạng thuốc tán bột uống, dùng ngoài tùy ý. Cam toại thường được nhập từ Trung Quốc và nơi khác. Có nơi dùng cây niệt gió gọi nam cam toại để lợi thủy, trục đàm là không đúng.

Cam toại chủ yếu có chứa các chất euphorbon, kanzuiol, euphorbol, euphol, ingenol, 13-oxyingenol, kansuinine A, B… Theo Đông y, cam toại vị đắng, ngọt, tính hàn. Vào kinh phế, thận và đại trường, có tác dụng tiêu thũng, thanh nhiệt, trừ đàm. Trị thủy thũng, trướng đầy, tích đờm, nước ở phổi, bụng dưới... Sau đây là một số bài thuốc trị bệnh có cam toại:

Trị chứng âm thịnh gây ra tiêu chảy: Dùng bài Cam toại bán hạ thang (Kim quỹ yếu lược): bán hạ 12g, cam toại 4g, chích thảo 4g, mật 100ml, thược dược 6g. Tác dụng: trục thủy, khử đàm, tán kết, trừ mãn, giải kinh, chỉ thống.

Cam toại tác dụng tiêu thũng, thanh nhiệt, trừ đàm. Trị thủy thũng, trướng đầy, tích đờm, nước ở phổi, bụng dưới...

Cam toại tác dụng tiêu thũng, thanh nhiệt, trừ đàm. Trị thủy thũng, trướng đầy, tích đờm, nước ở phổi, bụng dưới...

Trị thực tích bụng đầy đau: Dùng bài Cam toại phá kết tán (Thái Bình thánh huệ phương): cam toại 10g, hoàng cầm 20g, thanh bì 20g, đại hoàng 20g. Tán bột ngày uống 2 lần, mỗi lần 2g. Tác dụng: thông lợi, trị chứng tích khối do nhiệt tích.

Trị phù thũng bụng căng đầy: cam toại (sao) 6g, hắc khiên ngưu 30g. Tán bột sắc, uống từng hớp (Phổ Tế Phương).

Trị sán khí, sa dịch hoàn: cam toại, hồi hương 2 vị bằng nhau tán bột uống một lần 6g (Trung Quốc Dược học đại từ điển).

Chữa bụng ngực chân tay phù thũng: đại táo 10 quả, cam toại 12g, đại kích 12g, nguyên hoa 12g. Các vị tán bột, trộn đều, mỗi lần uống từ 0,5 - 1,5g, ngày 1 lần vào sáng lúc bụng đói với nước sắc đại táo. Tác dụng: Công trục thủy ẩm (Thập táo thang gia giảm).

Kiêng ky: Tuyệt đối không dùng chung cam toại với cam thảo. Người dạ dày yếu nên thêm đại táo vào thang có cam toại. Phụ nữ có thai cấm dùng.

Lương y Minh Phúc

Sắn dây trị nhiều bệnh

Theo dược học cổ truyền, sắn dây vị ngọt, tính mát, có công dụng giải cơ thoái nhiệt, phát biểu thấu chẩn, sinh tân chỉ khát, thăng dương chỉ tả, thường được dùng để chữa các chứng bệnh như sốt do ngoại cảm, đau cổ gáy, đau đầu, sởi, sốt cao khát nước, đái tháo đường, tiêu chảy, kiết lỵ, huyết áp cao, thiếu máu cơ tim, chảy máu cam,…


Có nhiều cách chế biến nước sắn dây giải khát, tuy nhiên có thể kể ra vài phương thức chính sau đây:

Bài 1: Củ sắn dây thái phiến, phơi hoặc sấy khô, đựng trong lọ kín để dùng dần, mỗi ngày lấy 20 - 30g hãm với nước sôi trong bình kín, sau chừng 20 phút thì dùng được, uống thay trà trong ngày. Khi uống, có thể pha thêm một chút đường phèn. Cũng có thể cho vào nồi sắc lấy nước uống.

Bài 2: Bột sắn dây 3 thìa cà phê, đường trắng vừa đủ, hai thứ đem hòa với nước sôi để nguội trong cốc, chế thêm một chút nước cốt chanh hoặc quất (cũng có thể cho quất hoặc chanh thái lát), quấy đều rồi uống. Tùy theo sở thích có thể đem ướp lạnh hoặc cho thêm vài viên nước đá.

Bài 3: Củ sắn dây thái phiến và câu đằng lượng bằng nhau, hai thứ đem tán vụn, phơi hoặc sấy khô, trôn đều rồi đựng trong lọ kín để dùng dần. Mỗi ngày lấy 30g đựng trong túi vải buộc kín miệng rồi đem hãm với nước sôi trong bình kín, sau chừng 20 phút thì dùng được, uống thay trà trong ngày. Đây là loại nước giải khát rất tốt cho những người bị cao huyết áp, đau đầu, nhiệt miệng, cổ vai đau nhức.

Bài 4: Củ sắn dây 200g, đan sâm 180g, bạch linh 90g, cam thảo 60g. Tất cả sấy khô tán vụn, đựng trong lọ kín để dùng dần. Mỗi ngày lấy 40g hãm với nước sôi trong bình kín, sau chừng 20 phút thì dùng được, uống thay trà trong ngày. Đây là thứ nước giải khát cực tốt cho những người mắc các bệnh tim mạch. Tuy nhiên, phụ nữ có thai không được dùng.

Thạc sĩ Hoàng Khánh Toàn

Lưu ý: Trên thị trường hiện nay có hai loại sắn dây: sắn dây ta và sắn dây tàu (có nguồn gốc từ Trung Quốc). Sắn dây tàu cho lượng bột nhiều hơn nhưng chất lượng giải nhiệt và mùi thơm không bằng sắn ta. Hơn nữa, vì lợi nhuận, gian thương thường hay trộn bột sắn thường với bột sắn dây để kiếm lời. Bởi vậy, khi mua người tiêu dùng cần thận trọng, tốt nhất là nên tự mình mua củ sắn dây tươi về tự chế biến hoặc thuê các cơ sở có uy tín và đảm bảo vệ sinh. Dân gian thường ướp bột sắn dây với hoa bưởi hoặc hoa nhài để làm tăng thêm sức hấp dẫn của loại nước giải khát độc đáo này.