Chữa cảm sốt bằng cây cúc tần

Cây cúc tần còn gọi là cây từ bi, cây lức... có tên khoa học Pluchea indica Less thuộc họ cúc (Compositae). Ở nước ta cây mọc hoang và được trồng khắp nơi, thường trồng làm hàng rào cây xanh và lấy lá làm thuốc. Cây nhỏ cao 2-3m, cành gầy; lá gần giống hình bầu dục, hơi nhọn đầu, gốc thuôn dài, mép lá có răng cưa, mặt dưới có lông mịn, phiến dài 4-5cm, rộng 1-2,5cm. Toàn cây (lá, cành, rễ) đều có thể dùng làm thuốc. Lá thường dùng tươi (hái lá non và lá bánh tẻ) thu hái quanh năm, cành và rễ thường dùng khô, làm thuốc.

Trong toàn cây chủ yếu có tinh dầu mùi thơm đặc trưng. Theo y học cổ truyền: cúc tần có vị đắng, cay, thơm, tính ấm. Chủ trị cảm sốt ho, bụng trướng, nôn oẹ, tiêu độc, tiêu đờm, bí tiểu tiện, phong thấp, đau mỏi lưng. Dùng dưới dạng thuốc sắc (ngày uống 10-20g) hay thuốc xông. Dùng ngoài không kể liều lượng.

Chữa nhức đầu cảm sốt:Lá cúc tần tươi 2 phần, lá sả một phần, lá chanh một phần (mỗi phần khoảng 8-10g) đem sắc với nước, uống khi còn nóng. Cho thêm nước vào phần bã đun sôi, dùng để xông.

Cũng có nơi nhân dân dùng lá cúc tần phối hợp với lá bàng (có tính mát) và lá hương nhu, sắc uống có công dụng chữa cảm sốt.

Chữa đau mỏi lưng: Lấy lá cúc tần và cành non đem giã nát, thêm ít rượu sao nóng lên, đắp vào nơi đau ở hai bên thận.

Chữa chấn thương, bầm giập: Lấy lá cúc tần giã nát nhuyễn đắp vào chỗ chấn thương sẽ mau lành.

BS.Vũ Nguyên Khiết

Công dụng của dâu rượu

Hỏi:Có phải cây dâu rượu là loại lấy quả để ngâm rượu làm thuốc hay không?

(Trần Văn Nam - Hà Tĩnh)

Trả lời: Cây dâu rượu còn gọi là dâu tiên (Quảng Bình - Vĩnh Linh), giang mai, thanh mai (Trung Quốc), ko mak ngam, kom gam (Lào).

Tên khoa học Myrica rubra Sieb, et Zucc.

Thuộc họ Dâu rượu Myricaceae.

Tên thanh mai thường chỉ thấy ghi trong một số sách thực vật, có lẽ dựa theo tên Trung Quốc của cây. Trên thực tế điều tra trong nước, chúng tôi hầu như chưa thấy nơi nào nhân dân gọi cây này là cây thanh mai, mà thường chỉ gọi là cây dâu, cây dâu rượu hay cây dâu tiên. Cho nên chúng tôi chọn tên này là chính. Tên họ do đó cũng đổi lại là họ dâu rượu.

Mô tả cây

Cây nhỏ cao 0,4 - 0,5m nhưng cũng có thể cao tới 10m. Cành nhỏ thường có phủ lông tơ. Lá xanh tươi quanh năm, khi còn non hay ở những cành non thì có phiến lá to, hơi mềm, nhưng trên những cành già phiến lá nhỏ hơn và dai cứng. Phiến lá to dài 5 - 12cm, rộng 2 - 3cm, phiến lá nhỏ chỉ dài 2 - 3cm, rộng 8 - 10cm. Mép phiến lá non có răng cưa rõ, phiến lá già răng cưa không rõ. Cuống không rõ hoặc rất ngắn, dài 2 - 10mm. Hoa khác gốc: hoa đực gầy, thưa hoa, hoa cái mọc thành hình đuôi sóc dài 1 - 5cm. Quả đường kính 0,5 - 1cm, khi xanh có màu xanh, khi chín có màu đỏ tím, trên mặt rất nhiều gợn thoạt trông giống như quả kép của quả dâu tằm (có lẽ vì vậy mà nhân dân gọi là quả dâu). Hạch dày nước và cứng, mọng nước, màu tím đỏ rất đẹp. Mua hoa tháng 10 - 11, mùa quả 11 - 1.

Phân bố thu hái và chế biến

Cây mọc hoang tại nhiều tỉnh ở miền Bắc nước ta, nhiều nhất tại một số tỉnh miền Trung như: Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên, Vĩnh Linh… Nhưng thường chỉ thấy ở Quảng Bình nhân dân khai thác dùng trong nước và xuất khẩu.

Còn thấy mọc ở Ấn Độ, Malaysia, miền Nam Trung Quốc, Nhật Bản.

Vào mùa quả chín (tháng 12 - 3) ở Quảng Bình nhân dân thu hái về (đặt nón vào phía dưới cây, tuốt quả cho rụng vào nón) phơi khô, sau đó đem đồ cho chín rồi phơi khô lại. Đồ như vậy để được lâu không bị mọt.

Công dụng và liều dùng

Dâu rượu được thấy ghi dùng làm thuốc đầu tiên trong “Khai Tống bản thảo” sau đến “Bản thảo cương mục” với tên giang mai.

Trong tài liệu cổ ghi giang mai có vị chua, ngọt, tính bình, có tác dụng lý khí, tán ứ, thanh thấp nhiệt.

Toàn năm có thể thu lấy vỏ rễ hay vỏ thân, dùng tươi hay khô. Vào mùa hạ thu lấy quả phơi khô. Chữa đau bụng, lỵ. Ngày dùng 8 - 12g vỏ khô sắc với nước uống trong ngày. Còn dùng chữa lở ngứa. Dùng vỏ thân hay vỏ rễ sắc nước rửa nơi lở ngứa.

Trong nước ta cho đến nay thấy ít được dùng làm thuốc. Thường đến mùa quả chín, trẻ con hái ăn hoặc bán để chế rượu uống. Quả chín hái về rửa sạch cho thêm ít đường, thêm ít men rựơu vào để trong vài ngày men rượu chuyển đường trong quả và đường thêm vào thành rượu, rượu này hòa tan các chất trong quả trong đó có các sắc tố anthxyan làm cho rượu có màu tím đỏ đẹp, vị hơi chua và ngọt trông như rượu vang. Có khi người ta mua quả về cho thêm rượu vào ngâm. Cũng có khi chế thành mứt.

(Theo Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam)

của GS. ĐỖ TẤT LỢI



Thuốc hay từ hoa hồng

Có nhiều loại hoa hồng nhưng Đông y thường sử dụng hồng đỏ (mai khôi hoa) và trắng (hồng bạch) để làm thuốc. Hoa hồng là một vị thuốc thơm mát, không độc. Để làm thuốc người ta thường hái những đoá hoa mới nở. Khi hái hoa về, bỏ đài, cuống, phơi trong bóng râm cho khô rồi cất vào lọ kín, không phơi nắng để khỏi tan hương vị của hoa.

Theo y học cổ truyền, hoa hồng có vị ngọt, tính ấm, tác dụng hoạt huyết, điều kinh, tiêu viêm, tiêu sưng. Hoa hồng đỏ (mai khôi hoa) dùng làm huyết mạch lưu thông, chữa kinh nguyệt không đều, đau ở vùng bụng dưới, vết sưng tấy, đinh nhọt và viêm mủ da, bệnh bạch cầu. Hoa hồng trắng chứa nhiều vitamin, đường, tinh dầu, dùng chữa ho trẻ em rất công hiệu, ngoài ra còn có tác dụng nhuận tràng.

Hỗ trợ điều trị tăng huyết áp: Hoa hồng bạch 9 - 15g, sắc uống hằng ngày hoặc hãm với nước sôi trong bình kín, sau 15 phút thì dùng được, uống thay trà.

Chữa ho, khái huyết do phế hư: Hoa hồng bạch 15g, đường phèn lượng đủ dùng, sắc hoặc hấp uống hàng ngày, uống còn nóng. Uống liền 1 tuần.

Nếu trẻ em ho do lạnh có thể lấy cánh hoa hồng bạch còn tươi 15g, một quả quất chín (bỏ cuống), 1/2 thìa mật ong hoặc đường phèn. Cho tất cả vào chén nhỏ hoặc bát nhỏ, hấp cơm hoặc chưng cách thuỷ. Đem ra nghiền nát, trộn đều rồi gạn lấy nước cho trẻ uống nhiều lần trong ngày.

Chữa táo bón do nhiệt: Hoa hồng trắng còn tươi hoặc khô 20 - 40g, hãm với 100ml nước sôi trong 15 - 20 phút, có thể thêm 1/2 thìa mật ong hoặc đường, uống 2 -3 lần trước bữa ăn. Uống liền 10 ngày, có thể nhắc lại liệu trình mới.

Chữa mụn nhọt sưng tấy (chưa vỡ mủ): Hoa hồng trắng 20g rửa sạch, giã nát đắp lên mụn sẽ tiêu.

Chữa lở miệng do nóng: Ngâm bột hoa hồng đỏ 5g với 25ml rượu trắng trong 24 giờ. Đun nhỏ lửa cho rượu bay hơi, đến khi còn sền sệt thì cho thêm 30g mật ong vào đun nhẹ, khuấy đều rồi để nguội. Dùng tăm bông sạch thấm thuốc bôi vào chỗ đau, ngày 2 - 4 lần. Dùng liền 5 ngày.

Làm đẹp da mặt: Lấy 20g hoa hồng đỏ, rửa sạch cho vào chậu nước ấm để khoảng 10 đến 15 phút. Sau đó rửa mặt mỗi ngày giúp làn da căng mịn, sạch bụi bẩn. Cũng có thể lấy nước hoa hồng để tắm. Làm kiên trì, da sẽ mịn màng, tươi mát.

Lưu ý: Những người tỳ vị hư yếu hoặc có thai không được dùng. Cần chọn hoa hồng không có thuốc bảo vệ thực vật.

Bác sĩ Nguyễn Huyền

Một số thảo mộc giúp tăng hương vị thực phẩm

Có nhiều bằng chứng khảo cổ về sự dùng thảo dược làm gia vị từ rất lâu đời. Hạt giống của những loại thảo dược khác nhau xuất hiện trong các ngôi mộ của các vị vua Ai Cập. Người Hy Lạp và người La Mã cổ đại thường xuyên sử dụng các loại thảo mộc địa phương trong bữa ăn thường ngày và trong các bữa tiệc chiêu đãi.

Húng quế (Ocimum basilicum)

Đối với nhiều đầu bếp, húng quế được coi là vua của các loại thảo mộc. Húng quế tươi ngày càng được dùng phổ biến trong các món súp, thịt hầm và salad. Lá húng quế được trộn với pho mát Parmesan, dầu ôliu, tỏi và hạt thông để làm thành nước sốt pesto. Đối với các món ăn nóng, húng quế tươi thường cho vào sau cùng để giữ được hương vị của nó.

Húng quế tươi nên được gói trong khăn giấy ẩm và được lưu trữ trong tủ lạnh. Có thể sấy khô húng quế để dùng khi trái mùa.

Húng quế cung cấp lượng vitamin K, vitamin A, vitamin C, Mn, Mg… Flavonoid và tinh dầu dễ bay trong húng quế có tính chống oxy hóa, kháng virut và kháng sinh đáng kể, thậm chí có khả năng điều trị ung thư.Húng quế được dùng để điều trị ho, viêm phế quản, hen phế quản, trầm cảm, tiểu đường.

Húng quế được coi là vua của các loại thảo mộc.

Húng quế được coi là vua của các loại thảo mộc.

Nguyệt quế (Laurus nobilis)

Lá nguyệt quế hay còn gọi là lá bay thường được dùng tươi hoặc khô để làm tăng thêm hương vị cho súp, món hầm, món kho và nước sốt.

Khi còn tươi, hương vị của lá ít thơm hơn; khi sấy khô trong vài tuần, hương vị trở nên sắc nét hơn, vị đắng, thơm mùi hoa khô, giống như húng tây và rau oregano.

Trong nấu ăn, lá nguyệt quế thường được loại bỏ xác vì nó có hương vị mạnh, có thể gây kích thích đường tiêu hóa. Trong món Pháp, nó là thành phần trong bó hoa trang trí món ăn. Còn lại lá nguyệt quế được bỏ vào túi vải lọc khi nấu và bỏ đi phần bã.

Lá nguyệt quế là nguồn cung cấp vitamin C có tác dụng chống oxy hóa mạnh và tăng khả năng miễn dịch mạnh. Lá nguyệt quế còn giàu axit folic, quan trọng trong tổng hợp DNA; vitamin A cần thiết cho thị lực khỏe mạnh, tốt cho da và niêm mạc; vitamin nhóm B, niacin, pyridoxin, axit pantothenic và riboflavin… góp phần tổng hợp các enzyme, điều hòa trao đổi chất và cải thiện chức năng hệ thần kinh.

Khoáng chất trong lá nguyệt quế bao gồm kali (giúp kiểm soát nhịp tim), calci (giúp xương chắc khỏe), sắt (tăng sản xuất hồng cầu), mangan, đồng, selen, kẽm và magie...

Tinh dầu lá nguyệt quế được dùng để điều trị viêm khớp, đau cơ, bầm tím và sưng, giảm các triệu chứng của cúm, viêm phế quản và điều trị gàu, ngoài ra còn có tác dụng giảm đau đầu và hạ đường huyết.

Bạch hoa (Capparis spinosa)

Cây bạch hoa phổ biến ở vùng Địa Trung Hải, Ai Cập, Bắc Phi, đảo Madagascar, Trung Á...

Nụ bạch hoa thường được dùng làm gia vị và trang trí nước sốt mì ống, thịt, cá, salad, súp và bánh pizza...

Nụ bạch hoa có lượng calo thấp (100gr cung cấp 23calo), có chứa nhiều chất chống oxy hóa như vitamin A, vitamin K, niacin, và riboflavin. Chứa các khoáng chất calci, sắt và đồng. Tuy nhiên, nụ bạch hoa muối bán sẵn thường chứa quá nhiều natri.

Nụ bạch hoa có tác dụng bổ dưỡng, giảm đau, trừ đờm, lợi tiểu, co mạch. Được dùng để trị viêm khớp, chấn thương bầm tím, thiếu máu, làm dịu bệnh gút và cải thiện chức năng gan.

Hành tăm (Allium schoenoprasum)

Với hương vị cay thơm tinh tế, lá hành tăm thường được cho vào các món như trứng tráng, khoai tây và cá. Tại Pháp, hành tăm là gia vị chủ yếu. Ngoài ra, các đầu bếp Ba Lan, Thụy Điển cũng thường sử dụng chúng vào trong các món phô mai, bánh crepe, súp, bánh mì và nước sốt… Ở Việt Nam, vùng Nghệ An, Hà Tĩnh cùng ưa chuộng loại rau gia vị này.

Hành tăm cũng như các thành viên khác trong gia đình allium (hành, tỏi) đều là dược liệu tuyệt vời. Hành tăm đã được chứng minh tính kháng khuẩn, kháng virut, chống lại cảm lạnh và cúm. Các flavonoid trong hành tăm có thể điều hòa huyết áp, các hợp chất sulfide có thể giúp hạ lipid máu - cả hai yếu tố này giúp ích cho sức khỏe tim mạch. Hành tăm có tác dụng chống viêm, có thể làm giảm nguy cơ viêm khớp dạng thấp. Do chứa nhiều vitamin E nên hành tăm có tác dụng chống oxy hóa, tăng cường hệ thống miễn dịch, thậm chí còn được sử dụng để ức chế sự phát triển của các khối u trong trường hợp ung thư thực quản, dạ dày, đại tràng và tuyến tiền liệt.

Mùi tây (Anthriscus cerefolium)

Mùi tây là loại gia vị cổ điển của ẩm thực Pháp trong nhiều thế kỷ. Mùi tây không thể thiếu trong các món súp và salad bởi nó sở hữu một hương vị tinh tế, không làm át đi hương vị của các thành phần khác.

Mùi tây giàu khoáng chất, bao gồm calci, kali, phospho, selen, mangan và magie và các vitamin A, C và D. Lá già chuyển sang màu tím, chứa ít chất dinh dưỡng hơn, vì vậy, nên ăn phần lá non xanh.

Ngày nay, mùi tây được biết đến là một nguồn chất chống oxy hóa tuyệt vời, giúp ổn định màng tế bào, chống viêm loét dạ dày tá tràng và viêm xoang. Mùi tây để sử dụng làm thuốc rửa mắt, giảm đau bụng kinh, làm thuốc bổ trường xuân làm trẻ hóa cơ thể, thư giãn tinh thần; điều trị ho, đầy hơi, tăng huyết áp, trầm cảm, rối loạn bệnh tiêu hóa. Lá tươi giã nát, đắp trực tiếp vào vết thương, vết côn trùng cắn, vết bỏng, nơi khớp sưng đau để làm dịu, chống viêm và làm lành thương tổn.

Ngoài các loại thảo mộc kể trên, còn rất nhiều loại gia vị khác được dùng trong nhà bếp. Ngoài việc làm tăng hương vị cho món ăn, chúng còn có nhiều tác dụng hữu ích cho sức khỏe.

Tiến sĩ - Lương y: Phùng Tuấn Giang (Chủ tịch Viện Nghiên cứu phát triển y dược cổ truyền Việt Nam)

Diếp cá tán nhiệt, tiêu ung

Cây diếp cá tên khác là cây lá giấp, ngư tinh thảo. Bộ phận dùng làm thuốc là toàn cây tươi hoặc đã làm khô. Cây tươi có mùi tanh như cá. Theo Y học cổ truyền: diếp cá vị cay, tính hơi ôn, vào kinh phế, có công dụng: thanh nhiệt giải độc, bài niệu thông lâm, chủ trị tụ máu, đau mắt, trị phế ung, nhọt lở, nhiệt lâm, tiểu tiện đau buốt.

Diếp cá

Diếp cá

Theo nghiên cứu dược lý hiện đại cho thấy dịch chiết diếp cá tươi có tác dụng ức chế các loại tụ cầu vàng, liên cầu khuẩn dung huyết, phế cầu khuẩn, trực khuẩn bạch hầu, trực khuẩn coli, leptospira, nấm, virut cúm. Nước sắc diếp cá có tác dụng tăng cường chức năng miễn dịch: có tác dụng chống viêm, giảm ho và lợi tiểu. Sau đây là một số bài thuốc điều trị từ cây diếp cá (dùng khô) sắc uống để bạn đọc ttham khảo:

Trị viêm đường tiết niệu: diếp cá 30g, xa tiền tử 20g, kim tiền thảo 40g, sắc uống.

Chữa viêm phổi: diếp cá 20g, thạch cao 40g, kim ngân 20g, lô căn 20g, liên kiều 20g, hạnh nhân 12g, hoàng liên 12g, hoàng cầm 12g, ma hoàng 8g, cam thảo 5g. Thạch cao sắc trước 15 phút; hoàng liên giã dập, cho các vị thuốc vào sắc uống làm 2 lần trong ngày.

Gia giảm: Nếu khó thở, thêm đinh lịch tử 12g, tang bạch bì 12g; Nếu ho ra máu, thêm bạch mao căn 12g.

Chữa viêm xoang: diếp cá 20g, thạch cao 40g, kim ngân hoa 16g, tân di 12g, hoàng cầm 12g, chi tử 12g, tri mẫu 12g, mạch môn 12g. Thạch cao sắc trước 15 phút, sau đó cho các vị thuốc vào, sắc uống. Ngày uống 1 thang.

Gia giảm: Nếu bệnh nhân sốt, sợ lạnh, nhức đầu thì bỏ hoàng cầm, mạch môn, thêm ngưu bàng 12g, bạc hà 12g.

Trị viêm khí phế quản, nóng sốt ho nhiều đờm: diếp cá 60g, tỳ bà 20g rửa sạch, ép lấy nước, thêm nước ép bí đao 100ml. Hòa chung, uống trong ngày.

Chữa viêm phổi cấp, viêm đường tiết niệu, sốt nóng, ho, tiểu dắt, tiểu buốt, nổi ban dị ứng: diếp cá 30g, kim ngân hoa 15g, bạch mao căn 30g, liên kiều 15g. Sắc uống trong ngày, có thể thêm đường cho dễ uống.

Trị tiểu tiện nóng rát, tiểu tiện đục thuộc chứng nhiệt: diếp cá 30g, sắc uống.

Trị trĩ ngoại: diếp cá 30g, sắc uống kết hợp xông, rửa tại chỗ.

Hỗ trợ điều trị ung thư phổi thủy thũng: diếp cá 20g, hoàng kỳ 20g, đình lịch 6g. Sắc uống thay trà.

Hoặc dùng bài: diếp cá 30g, nấu 15 phút, bỏ bã, thêm đậu đỏ 60g, đun chín mềm, thêm đường, ăn cái, uống nước.

Trị ung thư phổi: diếp cá 30g, thiết thụ diệp 30g, bát nguyệt trác 30g, phục linh 15g, hoàng kỳ 20g, bạch truật 20g, trần bì 10g. Sắc uống ngày 1 thang.

Hoặc dùng bài: diếp cá 20g, phật nhĩ thảo 20g, hạnh nhân 10g. Sắc uống ngày 1 thang.

ThS. Phạm Minh Dương

8 lợi ích đáng kinh ngạc của Vitamin B7

Đồng thời, vitamin B7 hỗ trợ trong việc tổng hợp các thành phần quan trọng và giúp duy trì nồng độ đường trong máu.


Biotin là gì?

Vitamin B7, còn được gọi là Biotin, là chất xúc tác cho các phản ứng trao đổi chất khác nhau trong cơ thể. Do tính chất hòa tan của biotin, vitamin này thường xuyên bị suy giảm do đó cần được bổ sung. Việc thiếu biotin từ chế độ ăn uống bình thường của chúng ta có thể dẫn đến một số rối loạn về sức khỏe. Đó là dấu hiệu cho biết bạn cần cung cấp thêm vitamin B7 trong khẩu phần ăn của bạn.

Biotin có ở đâu?

Để có một hàm lượng đầy đủ biotin trong chế độ ăn uống, bạn nên sử dụng các loại thực phẩm như lòng đỏ trứng gà, cá, sữa, gan, thịt và thận. Nhưng cần lưu ý, lòng trắng trứng ngược lại hạn chế hấp thu vitamin này nên tránh ăn quá nhiều lòng trắng trứng. Mỗi người có một lượng biotin mà cơ thể cần dung nạp khác nhau.

Các bác sĩ cũng khuyến cáo cần lưu ý đến loại vitamin này trong khẩu phần ăn. Ngoài các thực phẩm kể trên, biotin cũng có trong gạo, yến mạch, đậu nành, quả hạch, men bia, khoai tây, chuối, bông cải xanh, rau bina và súp lơ.

Triệu chứng thiếu Biotin

Sự thiếu hút biotin biểu hiện ra ngoài bởi một số triệu chứng như mệt mỏi, trầm cảm, rụng tóc, đau mỏi các cơ, thiếu máu. Ngoài những triệu chứng này còn có các biểu hiện khác như mất cảm giác ngon miệng, viêm da và sự xuất hiện da đầu khô hoặc gàu. Các triệu chứng nghiêm trọng nhất bao gồm rối loạn thần kinh và tăng trưởng hạn chế ở trẻ sơ sinh.

Lợi ích cho sức khỏe từ Biotin

Tăng cường trao đổi chất

Như nói ở trên, biotin là chất xúc tác để kiểm soát một số phản ứng trao đổi chất cung cấp năng lượng từ sự chuyển hóa các chất dinh dưỡng quan trọng như chất béo, protein, và carbohydrate. Các quá trình này rất quan trọng đối với cơ thể con người đảm bảo hoạt động thường xuyên trong trạng thái khỏe mạnh nhất.

Chăm sóc da

Biotin là thành phần thiết yếu duy trì sức khỏe cho da và tóc, hay móng tay, móng chân trong tình trạng tốt. Biotin giúp tái sinh màu da sau khi trải qua ô nhiễm hay sức khỏe yếu kém. Đây là lý do hiểu rằng biểu hiện rõ rệt nhất của người thiếu biotin là rụng tóc và da đầu có gầu, hãy bổ sung ngay vitamin B7 trong chế độ ăn uống của bạn.

Bảo trì mô

Biotin giúp tăng trưởng và duy trì các mô cơ và sửa chữa các mô này trong trường hợp có bất kỳ loại tổn thương nào. Vitamin B7 đảm bảo hoạt động đúng đắn của các mô hệ thần kinh, cùng với sự phát triển tối ưu của tủy xương.

Giảm cân

Biotin rất hữu ích trong việc giảm mỡ thừa từ cơ thể và duy trì cân nặng khỏe mạnh. Những người bị béo phì thường được khuyến cáo bởi các bác sĩ cung cấp thêm nguồn thực phẩm chứa loại vitamin này trong chế độ ăn uống hàng ngày của họ.

Bảo vệ tim

Biotin hỗ trợ đảm bảo hoạt động của tim diễn ra đúng đắn, giúp giảm cholesterone trong cơ thể mà luôn là mối nguy cho chứng bệnh xơ vữa động mạch, đau tim và đột quỵ.

Tối ưu hóa sức khỏe

Biotin được coi là một vitamin quan trọng không thể thiếu và không thể thay thế trong việc duy trì sức khỏe tối ưu. Ví dụ trong trường hợp, vitamin này xử lý glucose để trích xuất một lượng năng lượng thích hợp. Ngoài ra, vitamin này cũng tham gia vào quá trình tổng hợp các axit béo và axit amin trong cơ thể.

Kiểm soát lượng đường trong máu

Một thực tế đã được chứng minh, biotin có hỗ trợ hữu ích trong việc duy trì mức độ thích hợp của lượng đường trong máu, mà chắc chắn là thông tin tốt cho những người bị bệnh tiểu đường. Biotin giúp cơ thể chúng ta điều chỉnh insulin, do đó làm giảm nguy cơ biến động lượng đường trong máu rộng rãi, mà có thể dẫn đến bệnh tiểu đường.

Lợi ích khác

Biotin chắc chắn cũng vô cùng hữu ích trong điều trị các bệnh rụng tóc, bệnh Parkinson, và nấm candida âm đạo. Thậm chí, biotin còn hỗ trợ điều trị chứng bệnh nghiêm trọng nhất định như viêm da tiết bã, bệnh Crohn và bệnh thần kinh ngoại vi.

8 lợi ích đáng kinh ngạc của Biotin

(Theo organicfacts)

Cách dùng mộc nhĩ đen phòng, trị bệnh

Mộc nhĩ 15 - 30g, ngâm nước ấm cho nở hết cỡ rồi rửa sạch, hầm nhừ, chế thêm một chút đường trắng, ăn trong ngày. Công dụng: dưỡng âm chỉ huyết, thường dùng để phòng chống các chứng xuất huyết.

Mộc nhĩ 60g, huyết dư thán 10g. Mộc nhĩ sao tới khi bốc khói là được, hai thứ tán bột, trộn đều, mỗi ngày uống 6 - 10g với nước ấm hoặc có pha một chút dấm thanh. Công dụng: tán ứ chỉ huyết, dùng cho phụ nữ bị băng lậu (băng kinh; rong kinh).

Mộc nhĩ 5g, đại táo 5 quả, gạo tẻ 100g, đường phèn vừa đủ. Mộc nhĩ ngâm nước ấm, rửa sạch; đại táo bỏ hạt. Hai thứ đem nấu với gạo thành cháo, chế thêm đường phèn, chia ăn vài lần trong ngày. Công dụng: tư âm nhuận phế, kiện tỳ chỉ huyết, bổ não cường tim và kháng ung, dùng thích hợp cho những người bị ho lâu ngày, cơ thể suy nhược, thổ huyết, kinh nguyệt không đều, tăng huyết áp, bệnh mạch vành tim, vữa xơ động mạch, ung thư...

Mộc nhĩ 60g, vừng đen 15g. Mộc nhĩ một nửa sao cháy, một nửa sao khô, vừng đen sao thơm, tất cả tán vụn trộn đều, mỗi ngày lấy 6g hãm với 120ml nước sôi, uống thay trà. Công dụng: tư bổ can thận, kiện não ích trí, dùng lâu rất có lợi cho sức khỏe thể chất và tinh thần.

Mộc nhĩ 200g, hồng táo 100g, đường phèn 250g. Mộc nhĩ ngâm nước ấm cho nở hết, rửa sạch, đem hầm với hồng táo trong 2.000ml nước cho thật nhừ, chế thêm đường phèn, chia làm 7 phần, mỗi ngày ăn 1 phần, chia 2 lần sáng và chiều. Công dụng: bổ thận chỉ huyết, dùng cho phụ nữ xuất huyết tử cung cơ năng thuộc thể thận hư.

Mộc nhĩ 15g, hồng táo 30 quả. Hai thứ đem hầm nhừ, ăn trong ngày. Công dụng: dưỡng huyết điều kinh, dùng cho người bị thiếu máu và phụ nữ bị băng lậu và khí hư.

Mộc nhĩ 30g, đường đỏ 20g. Mộc nhĩ ngâm nước ấm, rửa sạch, nấu nhừ rồi cho đường đỏ vào, đánh nhuyễn, chia ăn 2 lần trong ngày. Công dụng: lương huyết chỉ huyết, giáng áp, dùng thích hợp cho những người bị xuất huyết tử cung cơ năng và tăng huyết áp.

Mộc nhĩ và biển đậu lượng bằng nhau, sấy khô tán bột, mỗi ngày uống 9g, có công dụng phòng chống bệnh tiểu đường.

Mộc nhĩ 30g, hoa hiên 120g, đường trắng vừa đủ. Hai thứ rửa sạch, nấu thành canh, chế thêm đường, ăn nóng. Công dụng: lợi thủy thông lâm, dùng cho người bị đái ra máu (huyết lâm).

Mộc nhĩ 6g, thịt lợn nạc 50g, phật thủ 9g, ý dĩ 20g. Mộc nhĩ ngâm nước ấm, rửa sạch; thịt lợn thái miếng; phật thủ thái phiến. Tất cả đem nấu thành canh ăn trong ngày. Công dụng: tuyên tý thông dương, hoạt huyết hóa ứ, dùng cho những người bị bệnh lý động mạch vành tim.

Mộc nhĩ 20g, ngâm nước ấm, rửa sạch, nấu với 20g đường phèn lấy nước uống trong ngày hoặc nấu cháo với gạo nếp và hạt sen mà ăn để phòng chống bệnh viêm phế quản mạn tính và chứng giảm bạch cầu trong máu ngoại vi.

Mộc nhĩ 5g, đậu phụ 200g, hai thứ nấu thành canh ăn thường xuyên hoặc mộc nhĩ 6g nấu với đường phèn lấy nước uống trước khi đi ngủ để phòng chống cao huyết áp.

Ngoài ra, mỗi ngày ăn thường xuyên từ 10 - 20g mộc nhĩ đen có thể phòng chống hữu hiệu tình trạng táo bón. Điều cần chú ý là, những người bị đi lỏng mạn tính do viêm đại tràng hoặc viêm dạ dày mạn tính thì không nên ăn mộc nhĩ đen.

ThS. Hoàng Khánh Toàn